Yêu Cầu Ngoại Cảnh Với Hoa Lan
Nhiệt độ tác động lên cây lan thông qua con đường quang hợp. Thông thường cường độ quang hợp tăng khi nhiệt độ tăng. Chính vì vậy, khi nhiệt độ tăng cao làm tăng nhu cầu hấp thụ dinh dưỡng của cây lan, do vậy trong mùa nắng cần tăng lượng phân bón để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng gia tăng. Nhiệt độ còn ảnh hưởng đến sự ra hoa của một số loài lan. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng quá cao làm cho quá trình quang hợp bị ngưng trệ. Nhiệt độ cao cùng với ẩm độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh hại phát triển. Mỗi loài lan chỉ sinh trưởng và phát triển trong một khoảng nhiệt độ thích hợp. Căn cứ vào nhu cầu nhiệt độ của từng loài lan mà người ta chia ra làm 3 nhóm: + Nhóm cây ưa lạnh: Gồm những loài lan chịu nhiệt độ ban ngày không quá 140C, ban đêm không quá 130C. Những loài lan này thường xuất xứ từ vùng hàn đới, ôn đới và các khu vực núi cao vùng nhiệt đới. Ví dụ lan: Lycaste, Cymbidium… + Nhóm cây ưu nhiệt độ trung bình: Gồm những loài lan thích hợp với nhiệt độ ban ngày không dưới 14,5 độ C, ban đêm không dưới 13,5 độ C. Ví dụ lan Vanda. + Nhóm cây ưa nóng: Bao gồm những loài lan chịu nhiệt độ ban ngày không dưới 21 độ C, ban đêm không dưới 18,5 độ C. Những loài lan này thường có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới. Đa số lan Dendrobium sp.hiện trồng ở thành phố Hồ Chí Minh đều thuộc nhóm này. Ánh sáng rất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng nói chung, lan nói riêng. Tuy nhiên, khi cây lan tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng trực xạ (vào giữa trưa) thường bị cháy lá, vì vậy khi trồng lan cần phải làm giàn che để giảm bớt cường độ ánh sáng. Ánh sáng còn ảnh hưởng đến khả năng ra hoa của một số loài lan. Do đó, một số loài lan như Dendrobium, Oncidium,… cần ánh sáng để ra hoa nên một số nhà vườn đã phơi nắng chúng để ép cây ra hoa. + Nhóm ưa sáng: Đòi hỏi ánh sáng nhiều, khoảng 100% ánh sáng trực tiếp như loài Vanda lá hình trụ. + Nhóm ưa ánh sáng trung bình: Bao gồm các loài có nhu cầu ánh sáng khoảng 50% đến 80% như các loài của Catleya, Dendrobium. + Nhóm ưa ánh sáng yếu: Bao gồm các loài lan có nhu cầu ánh sáng khoảng 30% như các loài của Phalaenopsis, Paphiopedilum. Tuỳ theo nhu cầu ánh sáng của từng loại lan mà có cách thức làm giàn che cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu ánh sáng của chúng. Tuỳ theo tuổi lan, yêu cầu về ánh sáng cũng khác nhau: Cây lan con giai đoạn từ 0 - 12 tháng tuổi đang trong giai đoạn tăng trưởng thân lá chỉ cần chiếu sáng 50%, lan nhỡ từ 12 - 18 tháng tuổi cần chiếu sáng 70% và thời điểm ra hoa có thể cho chiếu sáng nhiều hơn. Hướng chiếu sáng cũng rất quan trọng đối với lan. Cây lan đặt trồng ở hướng Đông sẽ nhận nhiều ánh sáng buổi sáng tốt hơn nhiều so với cây lan đặt trồng ở hướng Tây nhận ánh nắng buổi chiều. Chính vì vậy, khi trồng lan trên sân thượng hay ban công ở phía Tây, cây lan kém phát triển và ít hoa. Khi trồng lan cần bố trí hàng theo hướng Bắc - Nam để cây nhận được ánh sáng phân bố đầy đủ nhất. Ẩm độ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển của các loài lan. Các loài lan sống trong tự nhiên, sống nhờ vào nước mưa, hơi nước trong không khí. Do vậy, sự phân bố mưa trong năm có ảnh hưởng lớn đến đời sống của các loài lan. Nước từ các trận mưa, từ không khí ẩm vào rễ, đi qua thân lá, di chuyển trong thân và bốc hơi qua lá, sự di chuyển này giúp vận chuyển thức ăn trong cây. Lượng nước này đối với cây lan vô cùng quan trọng nên phải thường xuyên tưới nước cho cây. Nếu thiếu nước, quá trình quang hợp, hô hấp bị ngưng trệ. Chính vì vậy, việc chọn địa điểm thích hợp cho vườn lan sẽ giúp ta giảm được nhiều công sức chăm sóc cho cây lan. Trong vấn đề trồng lan, yếu tố ẩm độ là quan trọng nhất, trong tự nhiên chính ẩm độ là y� �u tố chi phối việc phân bố các vùng có cây lan. Về yếu tố ẩm độ có 3 khu vực cần lưu ý: + Ẩm độ của vùng: Là ẩm độ của khu vực rộng lớn, nơi thiết lập vườn lan. Ẩm độ này do điều kiện địa lý, địa hình quyết định. Nên chọn khu vực lập vườn lan có bờ mặt diện tích bằng phẳng, thoáng mát. Ví dụ vùng có sông ngòi, kênh rạch, rừng cây sẽ có ẩm độ cao hơn vùng đồi trọc, đồng trống. + Ẩm độ của vườn: Là ẩm độ của chính vườn lan. Chọn nơi lập vườn lan gần nguồn nước tưới…Những vùng trồng mới có nhiệt độ khu vực cao như Củ Chi có thể trồng cây, dây leo, trang bị hệ thống tưới quanh vườn lan để nâng cao ẩm độ vườn, thích hợp cho cây phát triển. + Ẩm độ trong chậu lan: Gọi là ẩm độ cục bộ, do cấu tạo của giá thể, thể tích chậu, chế độ tưới nước quyết định. Ví dụ trong vùng khô hạn ta có thể sử dụng xơ dừa để trồng lan, tăng số lần tưới và lượng nước tưới. Tuy nhiên, ẩm độ cục bộ cao sẽ không có lợi cho cây lan vì dễ gây úng thối cây. Sự hài hoà về ẩm độ vùng trồng, ẩm độ vườn sẽ giúp cho sự sinh trưởng của cây lan tốt hơn, hay nói cách khác, nó góp phần quyết định vào sự thành công của khu vườn. Do đó, chọn địa điểm vườn thiết kế trồng lan phù hợp sẽ giúp ta giảm rất nhiều chi phí trong khâu chăm sóc cây lan. Độ thông thoáng cũng là yếu tố cần thiết giúp cây lan sinh trưởng. Nếu vườn lan không thông thoáng, nhiệt độ và ẩm độ trong vườn cao sẽ làm cho cây lan dễ bệnh. Ngược lại, vườn quá thông thoáng, gió nhiều sẽ làm lượng nước bốc hơi nhiều; ẩm độ vườn thấp, cây lan sẽ sinh trưởng kém, lá nhăn nheo. Vì vậy, ở những nơi trồng quá thông thoáng như sân thượng, đồng trống cần che lưới, trồng cây xung quanh. - Nước tưới cho lan nhất thiết phải sạch, không nhiễm phèn, mặn. Độ pH thích hợp từ 6.5 - 7.0 Có thể sử dụng nhiều nguồn nước như nước mưa, nước máy, nước giếng… nhưng phải đạt yêu cầu về độ pH như trên. - Đối với nước máy: Cần chú ý đến lượng Clo trong nước máy không tốt cho cây lan. Do vậy, cần phải xây hồ chứa nước cho lượng Clo trong nước bay đi rồi mới sử dụng tưới cho cây. - Đối với nước giếng: Cần chú ý đến độ cứng, độ phèn, mặn, và pH nước và có cách xử lý thích hợp để tưới cho cây lan. Vì thế cũng cần xây dựng hệ thống hồ lắng, lọc rồi mới sử dụng nguồn nước đó tưới cho cây. Tuỳ vào ẩm độ, sự thông thoáng của vườn, giá thể, loài hoa, mùa tăng trưởng, nhiệt độ, ánh sáng và tình hình cây lan mà điều chỉnh lượng nước tưới nhiều hay ít.