Nếu tôi nhớ không lầm thì vào khoảng đầu năm 2000, hoa lan bắt đầu được bán ra ồ ạt ở thị trường Mỹ. Những vườn trồng lan ở vùng Santa Barbara, California, bắt đầu mở cửa bán tự do, thay vì chỉ bán sỉ. Vườn Orchid Nursery gần nơi tôi làm việc cũng tăng giờ mở cửa thay vì chỉ một buổi sáng thứ Tư mỗi tuần. Trader Joe's rồi Costco cũng chưng đầy lan, nhất là hồ điệp.
Phần Thưởng Của Kiên Nhẫn khi chăm sóc Lan
Đối với tôi lúc đó, hoa lan là một loại hoa xa-xỉ vì vừa khó trồng lại vừa mắc. Tôi thấy chị bạn tôi cứ mua lan về hoài, nhưng khi chưng xong, hoa tàn thì lại bỏ mua cây khác vì không biết cách chăm để cây chết. Mà hình như vì có định kiến là lan khó trồng nên cũng chẳng thấy ai thắc mắc gì, cho là cây chết là chuyện dĩ nhiên. Về phần tôi, đi chợ thấy bày hoa nhiều quá, riết rồi cũng ham. Tôi đua đòi, mua một chậu Oncidium hoa vàng về chưng. Tôi cũng mua một bình xịt nước nhỏ, lâu lâu xịt cho nó vài cái (Cái dại thứ nhất!). Đến khi hoa tàn thì ít tuần sau, cây cũng khô héo luôn! Thấy tôi thất vọng, ông xã tôi lại ra Costco mua cho một cây hồ điệp. Lần này học khôn, cứ vài ngày tôi tưới đẫm nước một lần (Cái dại thứ hai!). Chưa được bao lâu thì hoa héo rồi cây cũng đi đong. Lúc bỏ cây đi mới thấy bên trong chậu là một miếng sponge nên giữ nhiều nước quá, làm úng rể! Ông xã kêu "Em không biết gì về lan hết, thôi đừng trồng nữa, uổng tiền!" Nhưng rồi một hôm đi chợ trời, đi ngang một gian hàng hoa của hai vợ chồng một người Mễ, những chậu hồ điệp hồng và trắng với hoa thật to làm tôi phải dừng chân. Tôi xúi ông xã "Mình mua thử một chậu đi anh. Ở chợ trời thế nào cũng rẻ hơn trong tiệm." Vì khá đông người mua nên chúng tôi đứng vào một góc chờ. Vô tình làm sao, chúng tôi lại đứng cạnh một chậu lan có hoa thật thơm mà sau này tôi mới biết là Oncidium Sharry Baby. Thế là chúng tôi đổi ý không mua hồ điệp nữa mà mua cây lan này. Anh chàng Mễ dặn tôi một tuần chỉ một lần ngâm chậu vào nước sấp sấp mặt khoảng 5 phút thôi, đem ra để ráo. Tôi y lời. Kết quả là hoa tiếp tục nở đến hơn 2 tháng, thơm ngát. Mừng quá, khi hoa tàn, tôi đem ra thay chậu và tách làm hai để cho em tôi một nửa (Cái dại thứ ba!). Đúng là điếc không sợ súng vì lúc ấy tôi chẳng biết gì về nguyên tắc sang chậu lan! May mà cây không chết nhưng cả hai chậu cứ ỳ ra đó. Tôi đem ra để dưới mái hiên trước nhà, nơi chỉ có vài giờ nắng buổi sáng. Lúc đầu còn làm theo lời anh bán hoa, sau rồi chán nản, vài ba tuần tôi mới tưới đẫm một lần, chẳng bón phân gì cả! Đến lúc tôi gần như quên là tôi có chậu lan thơm thì một buổi sáng tưới cây (3 năm sau!), tôi phát hiện 2 mầm hoa. Rồi năm đó, tôi được ngắm hoa gần hai tháng.
Sharry Baby |
September 2004 | February 2007 |
Kinh nghiệm dạy tôi lần này không nên đụng chạm gì đến cây sau khi hoa tàn. Tôi cứ theo cách cũ mà chăm sóc lan. Mãi đến tháng Hai vừa rồi, cây mới lại ra hoa lần nữa. Lần này, hai nhánh hoa thật dài, tôi phải cột lại thành vòng cung cho khỏi gẫy. Nhưng cũng trong thời gian này, tôi được cậu em mách cho biết website của Hội Hoa Lan Việt-nam. Càng đọc những bài đăng trên website này, tôi càng say mê thích thú và như người mù được mở mắt. Trước đó, tôi cũng có đọc những sách Mỹ để tìm hiểu về lan, nhưng không hiểu được thấu đáo. Hơn nữa, sách quá tổng quát, không có nhiều chi tiết cụ thể như những bài đăng trên website này. Qua những kiến thức thâu thập được, tôi bắt đầu theo dõi sự phát triễn của những chậu lan tôi đang có, không phó mặc cho may rủi và đất trời nữa, và từ từ "chỉnh-đốn" lại vườn hoa tí hon của tôi. Sẵn chậu lan Sharry Baby đang bị nứt cần phải thay, tôi đem những điều mình vừa học hỏi ra áp dụng ngay. Nãy giờ tôi mải dài dòng văn tự để giới thiệu cây lan Sharry Baby của tôi. Bây giờ mới chính là chuyện tôi muốn chia sẻ với bạn đọc đây. Nếu nhìn lại hình của chậu lan (September 2004) đang nở hoa, bạn sẽ thấy vài củ bẹ không lá nằm sát thành chậu. Trong lúc sang chậu, thấy củ nhăn nheo và có vẻ như bị thối vì có màu nâu dưới cuống, tôi đã định bỏ đi. Chợt nhớ bài học "Cách gây giống từ những củ già" trong mục "Giải Đáp Thắc Mắc" của Bác Bùi Xuân Đáng và kinh nghiệm của các chị đăng trong "Kinh Nghiệm Trồng Lan", tôi cũng muốn thử một phen. Tôi cũng nhớ mấy tuần trước, tôi có đến thăm một vườn trồng lan ở Oxnard, CA. Ở đây, họ chỉ chuyên bán lan cymbidium. Tôi thấy ông chủ vườn gầy những củ lan trong chậu chỉ có toàn perlite, xếp đầy trên kệ (không có trùm bao, có lẽ vì đang trong nhà kiếng có đúng ẩm độ). Ông nói khoảng 5, 6 tháng củ sẽ ra rễ, lúc đó ông mới trồng vào chậu có vỏ dừa trộn perlite. Nhờ trưa hôm ấy là ngày Chủ-nhật vắng khách, vợ chồng tôi được ông ta giảng cho một bài học về trồng lan, chỉ cách thay chậu, và chỉ cách thụ phấn ghép giống lan. Nhờ đó, chúng tôi học được là nên trồng lan cym. trong chậu nhỏ vì khi nào rễ lan đầy chậu, lan mới ra hoa. Tôi đoán có lẽ vì vậy mà trồng lan cym. phải ém rễ cho chặt trong khi các loại lan khác thì rễ cần thoáng chăng? Khi chúng tôi hỏi trong loạt chậu 1-galon (giá thấp nhất!!), cây nào sắp ra hoa để mua, ông ta thản nhiên kéo từng cây ra khỏi chậu để coi rồi chỉ vài chậu đã thấy rễ bắt đầu nhô ra dưới đáy. Đặc biệt là vỏ dừa ém chặt đến nổi không bị rớt ra lúc ông ta kéo cây ra khỏi chậu rồi lại để vào như cũ. Thế là về nhà, tôi đi mua một bao perlite, cho vào một chậu nhỏ có lỗ dưới đáy. Củ lan rửa sạch với nước, không lau, dựng vào perlite như trong hình (1). Điều đáng nói ở đây là củ lan này trơ-trụi không có rễ chi cả, ở dưới gốc chỉ có vài "sợi râu" nhỏ. Tôi cũng không dùng bột diêm sinh để khử trùng như đã đọc trong bài (Lý do đơn giản là không biết mua bột ấy ở đâu!) Tôi tưới một lần nước cho perlite ướt đẫm, chờ một chút cho nước thoát bớt rồi cho tất cả vào một bao nylon, cột kín, để trong bóng mát. Vài ba tuần, tôi lại mở bao ra thăm chừng rồi lại lẹ làng buộc lại như cũ để không bị mất hơi ẩm trong bao. Nếu thấy hơi nước trong bao khô đi, tôi lại phun thêm tí nước vào perlite, để lúc nào trong bao cũng có hơi nước. Tôi kiên nhẫn chờ. Đến tháng thứ 3, một mầm xanh nhỏ xuất hiện dưới gốc của củ lan già (Hình 2). Tôi vui mừng vô kể, nhưng muốn cho chắc ăn, tôi lại cột bao lại và chờ thêm vài tuần nữa. Khi thấy cây lên cao khoảng một đốt ngón tay, tôi mới đổ perlite ra và trồng lại bằng bark. Hình (3) là lúc cây ra chậu được khoảng hơn một tháng. Cùng một lúc, tôi có trồng một củ thứ hai y cách như vậy nhưng trong chậu plastic (Hình 4) thay vì chậu đất như củ thứ nhất (Lý do: chỉ vì hết chậu đất!!). Không biết có phải vì chậu plastic giữ nhiều nước (perlite trong chậu này có rêu xanh chứ không trắng như trong chậu đất kia), hay tại củ xấu mà củ này đến nay vẫn không thấy thay đổi (Hình 5)! Thành ra, dựa vào xác suất 50% này, nếu quí bạn có thử mà không được thì chớ vội nản lòng nhé, cứ kiên nhẫn, thế nào cũng sẽ được đền bù. Nhớ đọc lại câu chú Úm-ba-la của Bác Đáng và xem lại các Lan Hoa Bí Pháp coi tại sao thất bại rồi thử nữa. Chúc quí bạn thành công.