Lan Kiếm Bà Nà Cymbidium Banaense (Gagnep. 1951)

Trên con đường dài dường như vô tận để tìm hiểu về những cây lan Việt Nam, có nhiều cây chỉ "văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình".

Lan Kiếm Bà Nà Cymbidium banaense (Gagnep. 1951)

Cây lan Cymbidium banaense tuy cũng có nghe, có thấy nhưng quá ít và trong những chuyến về thăm quê nhà vào năm 2005-2009 và 2010 không hề thấy bóng dáng cây lan này cho nên trong mục Lan Rừng Việt Nam từ A-Z chúng tôi chỉ ghi được một vài giòng ngắn ngủi như sau:
Gagnep. Đặc hữu của Việt Nam
Lá dài 35 x 1.5 cm, 2-3 hoa rất thơm. Quảng Nam, Đà nẵng, Kontum. Trồng nơi có nắng sáng hay chiều. = warm nóng từ 60-90°F hay 15.6-32.2°C = intermediate vừa từ 50-80°F hay 10-26.7°C Ẩm độ: 50-70%
Mỗi khi muốn tìm hiểu về lan của quê hương, tôi thường căn cứ vào các cuốn sách Orchids of Indochina của Gunnar Seidenfaden xuất bản năm 1992, Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ xuất bản năm 1991 và tái bản năm 1992, Phong Lan Việt Nam của Trần Hợp ấn bản năm 1998, các tài liệu của Leonid Averyanov, Karel Petrzelka và rải rác đăng trên Internet. Trong cuốn Orchids of Indochina trang 343 có ghi vắn tắt như sau:
Bull.Ms. Paris 2 s 22(5)626 1950- Siedenfaden 1975: 37- Averyanov 1988f: 105;1990:61 Occurrence: Vietnam: Bana, Tourane 1400m ( Poilane 29022) P! type ) Distribution: Endemic This species is only known from the type specimen sketch in Fig. 320, the two remaining flowers so soaked in glue that I renounced on attempt to discection. It problably related to eburnum and mastersii but acording to the description distinctly different.
Xin tóm lược như sau: Theo tài liệu hiện giữ tại Viện bảo tàng Paris và của Seidenfaden, Averyanov, Poilane cây lan Cymbidium banaense do Gagnepain công bố với thế giới, mọc trên cao độ 1400 m thuộc núi Bà Nà Đà Nẵng là một cây đặc hữu của Việt nam. Giống lan này chỉ được biết qua 2 bông hoa còn lại được dán chặt bằng keo có lẽ liên hệ tới giống Cym. eburneum và Cym. mastersii nhưng trong bản mô tả lại khác. Hình vẽ số 320. Cuốn Cây cỏ Việt Nam trang 1136 có lẽ dựa theo tài liệu của Poilane nên trong hình kèm theo có chữ Poil. 29022 như sau:
10340  Lan mọc trên đá, rễ nhiều to 4-5 mm, đáy thân có sơ. Lá có phiến dài đến 35 cm, rộng 1.5 cm gân phụ mảnh, khít nhau, chót có 2 thuỳ không bằng nhau, có đốt trên bẹ. Chùm hoa dài bằng lá, 2 hoa lá hoa xoăn, dài 1 cm cọng và noãn sào dài 2.5 cm, hoa trắng hơi ửng hường, rất thơm, môi hình đờn có 3 thuỳ, dài 3-3.5.
Trong cuốn Phong lan Việt Nam trang 196 với hình vẽ thu nhỏ từ hình của Seidenfaden có ghi:
Loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở Quảng Nam Đà Nẵng đến Tây Nguyên. Lan sống phụ hay trong gốc đá, nhiều rễ và sơ. Lá hình giải hẹp dài đến 35 cm, rộng .5 cm, đầu tròn chia 2 thuỳ không đều nhau. gốc có bẹ và đốt. Cụm hoa trên cuống chung thẳng, dài bằng lá, có 2 hoa. Hoa lớn màu trắng hay hồng rất thơm. Cánh môi có 2 thuỳ, 2 bên lớn hình tam giác, thuỳ giữa thuôn rộng đầu hẹp.
Hoa lan mọc tại Việt Nam chỉ mới tìm ra được khoảng 150 loài và 1000 giống. Trong số này có trên 100 cây do các khoa hoc gia như Gagnepain, Mitcholitz, Poilane v.v... tìm ra từ cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20, nhưng nay đã tuyệt tích giang hồ hay còn ẩn náu trong chốn thâm sơn cùng cốc hoặc vì nhầm lẫn cây nọ với cây kia, cho nên ngày nay không sao tìm được bởi vì thời đó người ta chỉ có thể vẽ hình hoặc bông hoa đã ứơp khô hay những lời mô tả. Phần lớn các cuốn sách về lan cũng như mấy cuốn sách viện dẫn ở trên đều phải dựa vào tài liệu của những người đi trước. Thử hỏi mấy ai đã có diễm phúc nhìn thấy tất cả những cây lan này, vả lại dù cho có thấy, trong một cuốn sách cũng không thể nào dài giòng viết rõ từng một cây lan một. Ngày nay lâu lâu người ta lại tìm ra một vài giống lan mới như cây Paphiopedilum canhii, lan hài Xuân Cảnh chẳng hạn. Nhờ có máy ảnh nên đã ghi lại được hình dáng, mầu sắc của hoa, lá thân cây cho nên việc nhận diện có phần dễ dàng hơn. Tuy vậy vẫn có sự nhầm lẫn vì có nhiều cây hoa giống nhau nhưng lại khác loài vì khác thân, khác lá. Trở về trường hợp của cây Cymbidium banaense, căn cứ vào hình ảnh và tài liệu kể trên chúng tôi nghĩ đó là một giống lan chỉ có 2-3 hoa mà mầu sắc cũng chẳng có gì hấp dẫn. Nhưng hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, ngày 28 tháng 1 năm 2011 khi đến thăm gian hàng bán hoa lan của Andy's Orchids tại Wesminster Mall, khi hỏi về những cây lan Việt Nam, anh chỉ cho tôi vài chậu lan kiếm nhỏ ở trong góc. Cây lá và hoa trông giống như cây Cym. erythrostylum, hoa đã gần tàn chẳng có gì hấp dẫn. Nhìn kỹ lại mới thấy sự khác biệt: cây lớn hơn Cym. erythostylum, nhưng lại nhỏ hơn Cym.eburnum rất nhiều. Cây gần như không có củ, lá dài chừng 40 cm, rộng 2 cm. Chùm hoa uốn cong xuống, dài khoảng 35 cm mang theo 10-15 hoa to chừng 10 cm. Đặc biệt cây lan này dò hoa có một vỏ bọc rất cao, to và dày khác hẳn v� �i các giống lan cùng loài. Hoa nở vào cuối đông, đầu xuân và có hương thơm. Khi mới nở, hoa mầu trắng rồi chuyển sang mầu hồng rồi tàn. Andy mở máy Laptop cho tôi xem tấm ảnh khi lan mới nở. Anh cho biết trước đây khoảng 7-8 năm anh có gieo hạt một số cây của Việt Nam trong đó có môt cây đề là Cym. eburneum nhưng khi hoa nở mới biết là Cym. banaense.
Andy's Orchids là một vườn lan có nhiều cây lan nguyên giống (species) của Việt Nam. Cây của anh không những đã được thuần hóa và nở hoa trong nhà kính như: Eria globifera, Ludisia discolor var. alba, Holcoglossum kimabllianum, Den. wattii v.v... Mời Andy ôm cây lan quý của quê hương đất ra chụp tấm hình làm kỷ niệm, anh vui vẻ nhận lời. Khi về tới nhà, vội lục trong những hình ảnh và tài liệu hiện giữ trong tay, chúng tôi thấy trong tập hình ảnh của anh Nguyễn Minh Đức tại Hà Nội tặng cho cũng có hình cây lan kiếm Bà nà Cym. banaense. Và trong danh sách những cây lan Việt Nam, nhà ngoại giao Tiệp khắc Karel Petrzelka có ghi như sau: Cymbidium banaense Gagnep.Vietnam - Lam Dong province - 30 km NW of Da Lat - near Dam Ron - 15-1600 m - evergreen forest also Cambodia - Mondul Kiri province - near O Rang city - 900 m - evergreen forest. Như vậy ông đã thấy cây lan này tại Đầm Ron cách Đà Lạt 30 km và cũng thấy ở gần thị trấn O rang, tỉnh Mondul Kiri xứ Campuchia, như vậy Cym banaense không còn là đặc hữu của Việt Nam nữa. Đối với tôi, dù là đặc hữu hay không, cũng không cần thiết cho lắm, chỉ cần nhìn thấy bông hoa hiếm quý của quê hương, tôi có cảm tưởng dường như gặp lại người thân yêu đã thất lạc từ lâu. Tôi muốn trở thành sở hữu chủ nhưng ngần ngại, không phải vì giá hơi cao 65$ một chậu chỉ có 2-3 nhánh vừa mới xẻ ra, nhưng là vì tuổi già không còn đủ sức trông nom, hơn nữa chỗ ở hiện tại chật hẹp không đủ sức chứa hết những cây lan mà tôi hằng trân quý. Hy vọng rằng các chị Cao ánh Tuyết, Lê kim Nhung và Lê Hồng sẽ gìn giữ được những viên ngọc quý gia bảo của quê hương, đất nước.
Next Post Previous Post